Nghe tiếng Indiegogo từ đợt bên này gọi vốn cho cọng cáp Incharge 6 nhưng giờ mới là lần đầu tiên mình chính thức đặt hàng ở đây, trước đó (tháng 4/2018) mình cũng từng pre-order một món đồ (Side Winder) qua hình thức tương tự nhưng ở KickStarter. Trước khi quyết định mạo hiểm gửi gắm niềm tin cho Indiegogo, mình đã thăm dò ý kiến & được một số AE (trong đó có cả mod Tinh Tế lẫn đại diện SiliconZ) xác nhận đây là nơi uy tín. Bản thân mình cũng rất kích thích trước loạt các đồ phụ kiệncông nghệđược quảng cáo ở bên này, tiếc thay không phải món nào cũng được các đơn vị startup ở Việt Nam đứng ra chống lưng & nhận mua giùm. Đó là 3 lý do chính đã thôi thúc mình mạnh dạn đặt hàng! Trải qua quãng thời gian chờ đợi funding khá lâu cùng hàng tá email thông báo trì hoãn, rốt cục mọi thứ không hề chệch hướng với những gì mình mường tượng ban đầu…
Nói về loạt các sản phẩm phụ kiện trong bài viết lần này, 12/7/2020 là ngày mình pre-order, 9/1/2021 là ngày mình nhận được combo các thứ đã đặt mua, $111 (đã bao gồm $10 phí vận chuyển) là tổng số tiền mình thanh toán qua Visa cho 9 món phụ kiện, cụ thể gồm:sạcSlimQ65W, sạc SlimQ100Wcũng như một hộp đựng cùng 2 dây nối dài (chân tròn) & 4 chiếc adapter. Thú thiệt, mình khá lăn tăn khi đứng giữa 2 option: hoặc chọn SlimQ 100W (giá 1.4tr) & chấp nhận không được hưởng chế độ bảo hành hoặc chọn HyperJuice 100W (giá loanh quanh 2.3-2.6tr) được bảo tỏi 2 năm & có sẵn hàng ở Việt Nam. Vài tháng đã trôi qua kể từ đợt mình hóng bên SiliconZ nhưng tuyệt nhiên không thấy đơn vị này có bất cứ động thái nào về việc cho đặt hàng cục SlimQ 100W. Chính điều này đã thôi thúc mình & rốt cục như AE thấy: mình đã nhắm đến SlimQ cùng một cơ số những thứ râu ria nhưng tổng tiền chỉ nhỉnh hơn cục HyperJuice vài trăm ngàn.
I. HÌNH THỨC:
SlimQ thực sự để lại ấn tượng tốt dưới con mắt thẩm mỹ của mình ngay ở cái nhìn đầu tiên. Mình hoàn toàn ưng ý trước kiểu dáng cùng độ hoàn thiện, kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với các cục sạc truyền thống mình biết trước đây. Vào thời điểm 7/11/2019 khi cục SlimQ 65W đang được gọi vốn qua Indiegogo (bên NÀY & bên NÀY) thì đây chính xác là cục sạc đầu tiên trên thế giới được tích hợp công nghệ GaN (Gallium Nitride). Dưới đây là những điểm khiến mình thấy ấn tượng hơn 42 lần so với sạc của Baseus hay Xiaomi mặc dù cũng là sản phẩm thuần Tàu…
Với lớp nhựa nhám màu ghi bên ngoài, sản phẩm của SlimQ hoàn toàn không bám vân tay, sờ rất mát. Ở mạn sườn hiển thị một số thông tin về model, điện áp, các chuẩn an toàn về cháy nổ cũng như mã QR để truy cập. Trong đó logo & tên hãng được khắc chìm với font chữ rất đẹp & tròn trĩnh, khác xa với những feedback tiêu cực mình từng thấy trên mạng đợt nào.
Mặt trước & sau được phủ bởi lớp vải màu xám đậm có tác dụng giảm thiểu sự trơn trượt khi cầm nắm. Ngoài ra, một logo màu cam nhỏ nhắn được bài trí khá tinh tế trên lớp vải của bộ đôi củ sạc này, đây có lẽ là điểm nhấn giúp cục sạc không quá đơn điệu với tổng thể gam tối màu. Chân sạc của cả 2 cục 65W & 100W đều được thiết kế dạng dẹt, hơi bo hình vòng cung ở đầu chân, 2 bên được khoét 2 lỗ tròn.
1. SlimQ 100W:
Trọng lượng cục này rơi đâu đó tầm 2 lạng, kích thước là 69x28x69mm, một bên được thiết kế với 4 cổng kết nối A & C, bên đối diện hiển thị một số thông tin về cục sạc & cũng là vị trí mà hãng SlimQ bài trí chân cắm dạng dẹt có khả năng gập gọn để tiện nhét balo, túi quần. Không những vậy, đây còn là nơi tiếp xúc để gá dây nối dài (mua riêng) trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, ổ điện chỗ mình sát bàn làm việc nên chỉ cần cọng Ugreen 50477 (1m) cũng đủ khoảng cách để sạc cho máy tính. Hai cạnh rìa còn lại: một bên để trống, bên kia khắc chìm logo & tên hãng, cả 2 thứ này đều đồng màu với tổng thể củ sạc, cho một vẻ đẹp thẩm mỹ không hề tệ chút nào. Chắc chắn mình sẽ xài cục này cho mục đích sử dụng hàng ngày để tận dụng 4 cổng mỗi khi cần sạc đồng thời cho máy tính lẫn điện thoại cùng vài thiết bị thập cẩm khác.
2. SlimQ 65W:
Qua số đo thực tế, mình thấy trọng lượng cục này thậm chí chưa tới 100g, kích thước 3 chiều lần lượt là 2.7x3.7x6.6cm. Nếu đặt cạnh cục 100W thì SlimQ 65W bằng đúng phân nửa theo nghĩa đen (cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao), cầm mà cảm giác lọt thỏm trong lòng bàn tay. Về cơ bản thì thiết kế bên ngoài 2 cục gần như y chang nhau, duy có 2 điều khác biệt cơ bản so với cục 100W: chỉ tích hợp 2 cổng A & C thay vì 4 cổng, chân cắm dạng dẹt không thể gập gọn. À quên, thêm chi tiết thứ 3 nữa, hẳn nhiên rồi: công suất là 65W chứ không phải 100W. Mình rất cưng cục này, có lẽ sẽ chọn em nó là vật bất ly thân & luôn thủ trong Tech Pouch hoặc túi bao tử mỗi khi ra đường. Nhất định là vậy!
II. CỔNG KẾT NỐI:
Cục 100W được thiết kế 2 cổng A (màu cam) & 2 cổng C (màu đen), 4 cổng này nằm cùng một phía theo chiều dọc, rất tiện trong việc cắm sạc cùng lúc 4 thiết bị.
Cục 65W chỉ có một cổng A & một cổng C, màu sắc & thiết kế gần như y chang cục 100W.
III. GIÁ CẢ:
Thời điểm 4/11/2019 khi đơn vị SiliconZ tổ chức pre-order qua web, mình thấy giá của cục SlimQ 65W là 990k (tặng kèm cọng C to C & túi đựng), hết thời gian đặt hàng mức giá sẽ là 1.29tr, còn thời điểm mình pre-order bên Indiegogo (12/7/2020) chỉ mất vỏn vẹn $26 (tính ra tiền Việt tầm 624k) do lúc đó mình mua combo cả cục 65W lẫn 100W là $85 (khoảng 2.04tr). Với mức giá khá hời như này, mình không còn bất cứ vương vấn nào với cục HyperJuice từng lăn tăn trước đó.
IV. CÔNG SUẤT:
1. SlimQ 65W:
Cả 2 cổng A & C đều hỗ trợ sạc nhanh với các chuẩn phổ biến như Quick Charge 3.0 & Power Delivery 3.0, trong đó max công suất cổng C là 65W, cổng A là 18W nếu chỉ dùng duy nhất một cổng tại thời điểm sạc, còn nếu sạc cùng lúc cả 2 cổng thì công suất tối đa lần lượt là 45W & 15W.
2. SlimQ 100W:
Nếu sạc riêng lẻ từng cổng thì C1=C2=100W, A1=A2=30W.
Nếu sạc đồng thời 2 cổng C thì C1=65W, C2=30W hoặc 2 cổng A thì A1=A2=15W, nếu sạc xen kẽ cả cổng A lẫn C thì C1=C2=80W, A1=A2=18W.
Nếu sạc lẫn lộn 3 cổng thì C1=C2=65W, A1=A2=15W hoặc C1=45, C2=30W, A1=A2=24W.
Nếu sạc toàn bộ 4 cổng thì C1=45, C2=30W, A1=A2=15W.
V. TEST TỐC ĐỘ SẠC:
Tương tự như cục pin dự phòng RavPower RP-RP201 từng được chia sẻ ở ĐÂY, lần này mình cũng test thử với các thiết bị: BlackBerry Key2 (3.500mAh), iPhone X (2.716mAh), iPad 2018 Gen 6 (8.600mAh), Macbook Pro 2020 13” (15.600mAh) & cả Huawei Nova 3i (3.340mAh), còn cáp thì sử dụng các cọng: Benks 0.25m (MFI), InnoStyle DuraFlex (MFI), Ugreen 50229, Ugreen 50477, Anker Powerline+, Anker Powerline II & cuối cùng là cọng C to C tặng kèm của SlimQ.
1. SlimQ 65W:
Sạc cho Key2 với cọng Anker Powerline+ qua cổng A: từ 0-50% mất vỏn vẹn 25 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 85 phút, trong một tiếng đồng hồ Key2 lên được 92% pin.
Sạc cho Key2 với cọng SlimQ tặng kèm qua cổng C: từ 0-50% mất 25 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 90 phút, trong một tiếng đồng hồ Key2 lên được 89% pin.
Sạc cho iPhone X với cọng Benks hay InnoStyle DuraFlex (C to Lightning) đều cho kết quả khá tương đồng: từ 0-50% mất 45 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 3 tiếng 40 phút, trong một tiếng đồng hồ iPhone X lên được 65% pin.
Sạc cho Nova 3i với cọng Anker Powerline+ qua cổng A: từ 0-50% mất 40 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 1 tiếng 25 phút, trong một tiếng đồng hồ Nova 3i lên được 79% pin.
Sạc cho iPad 2018 với cọng Benks: từ 0-50% mất 90 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 3 tiếng 45 phút, trong một tiếng đồng hồ iPad lên được 34% pin.
Sạc cho Macbook với cọng C to C tặng kèm của SlimQ: từ 0-50% mất 60 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 1 tiếng 47 phút, trong một tiếng đồng hồ Macbook lên được 70% pin.
Sạc đồng thời cho Key2 (cổng C với cáp Ugreen 50229) lẫn Nova 3i (cổng A với cáp Anker Powerline+): từ 0-50% Key2 & Nova 3i lần lượt mất 27 & 35 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy cả 2 thiết bị hết đều mất 90 phút, trong một tiếng đồng hồ lên được 88 & 80% pin.
Sạc đồng thời cho iPad 2018 (cổng C với cáp InnoStyle DuraFlex) & iPhone X (cổng A với cáp Anker Powerline II): từ 0-50% iPad & iPhone X lần lượt mất 90 & 62 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 220 & 240 phút, trong một tiếng đồng hồ lên được 34 & 48% pin.
2. SlimQ 100W:
Sạc cho iPad 2018 (cổng C1 với cọng InnoStyle DuraFlex): từ 0-50% mất 84 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 3 tiếng 10 phút.
Sạc cho Macbook (cổng C2 với cọng Ugreen 50477): từ 0-50% mất 62 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 2 tiếng 5 phút, trong một tiếng đồng hồ Macbook lên được 48% pin.
Sạc đồng thời cho Macbook (cổng C1 với cáp Ugreen 50477) cùng iPhone X (cổng A với cáp Anker Powerline II) & Nova 3i (cổng A với cọng Anker Powerline+): từ 0-50% bộ ba Macbook - iPhone X - Nova 3i lần lượt mất 50, 55 & 37 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 113, 225 & 95 phút, trong một tiếng đồng hồ lần lượt lên được 61, 53 & 78% pin .
Sạc đồng thời cho iPad 2018 (cổng C với cáp Benks) cùng iPhone X (cổng A với cáp Anker Powerline II) cũng như Key2 (cổng C với cọng tặng kèm của SlimQ) & Nova 3i (cổng A với cọng Anker Powerline+): từ 0-50% thứ tự 4 thiết bị iPad - iPhone X - Key2 - Nova 3i lần lượt mất 75, 110, 30 & 32 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 205, 267, 112 & 82 phút, trong một tiếng đồng hồ lần lượt lên được 42, 34, 77 & 87% pin.
Sạc đồng thời cho iPhone X (cổng C với cáp Benks 0.25m) cũng như Key2 (cổng C với Ugreen 50229) & Nova 3i (cổng A với cọng Anker Powerline+): từ 0-50% các thiết bị này lần lượt mất 32, 23 & 30 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 170, 152 & 80 phút, trong một tiếng đồng hồ 3 chiếc iPhone X - Key2 - Nova 3i tương ứng lên được 74, 66, & 84% pin.
Sạc đồng thời cho iPhone X (cổng C2 với cáp Benks 0.25m) & Key2 (cổng A1 với cáp Anker Powerline+): từ 0-50% tương ứng mất 38 & 20 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 165 & 87 phút, trong một tiếng đồng hồ lên được 74 & 92% pin.
Sạc đồng thời cho Macbook (cổng C1 với cáp tặng kèm của SlimQ) & iPad 2018 (cổng C2 với cáp InnoStyle DuraFlex): từ 0-50% tương ứng mất 52 & 100 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 115 & 235 phút, trong một tiếng đồng hồ lên được 59 & 32% pin.
✅ Trong quá trình sạc cho Macbook Pro 2020 13” cũng như những lúc sạc hỗn hợp cùng lúc nhiều thiết bị, mình thấy cả 2 cục sạc 65W & 100W đều trong tình trạng ấm & không quá nóng, còn với các thiết bị smartphone khi sạc đơn lẻ thì pin khá mát, gần như không cảm nhận được sức nóng toả ra. Về cơ bản thì % pin của các thiết bị tăng khá nhanh & đều trong khoảng từ 0-70%, sau đó tốc độ sạc chậm dần, trong đó chậm nhất là iPhone X.
✅ƯU ĐIỂM:
Thiết kế đẹp, độ hoàn thiện cao.
Kích thước nhỏ gọn do tích hợp công nghệ GaN.
Nhiều cổng, hỗ trợ sạc nhanh cả cổng A lẫn cổng C.
Công suất cao, có thể sạc cho cả điện thoại lẫn máy tính.
Có thể mua thêm dây nối dài, thuận tiện cho việc sử dụng.
✅ NHƯỢC ĐIỂM:
Giá mắc hơn so với nhiều củ sạc của Xiaomi, Baseus, ZMI…
Thương hiệu chưa phổ biến ở VN nên nhiều người còn e ngại.
Đôi lúc bị ngắt kết nối hoặc sụt pin: mình hay dùng cổng C1 để sạc cho Macbook Pro 13”, C2 để sạc cho Key2 nhưng thi thoảng xuất hiện tình trạng Key2 được tầm 80% thì điện không vào, nếu cắm qua cổng A1/A2 thì lại lên bình thường. Còn với Macbook 13” cũng có lúc % pin sụt mặc dù vẫn có biểu tượng tia sét đang sạc.
VI. KẾT LUẬN:
Với một người có thú vui đam mê phụ kiện công nghệ như mình, cặp đôi củ sạc SlimQ được đề cập trong bài thực sự là món đồ cực kỳ ưng ý. Điều quan trọng nhất nhì với mình trước khi chọn mua sạc đa cổng chính là ở hình thức. Chỉ cần hợp gu, đủ sức kích thích thì giá cao mình cũng sẵn sàng chi địa, chỉ không ngờ thời gian nhận hàng khi mua dưới hình thức pre-order lại lâu đến vậy. Giờ mình thường xuyên sử dụng cục 100W để sạc cho Macbook cũng như Key2 & iPhone X trong giờ hành chính hàng ngày, riêng cục 65W luôn có một suất yên vị trong Tech Pouch hoặc túi bao tử cùng vài 3 cọng cáp mỗi khi ra đường. Cũng vì kích thích quá nên mình chấp nhận rủi ro về chất lượng sản phẩm & không được bảo hành tại VN. Cơ bản thì màu sắc, thiết kế, kích thước, công năng cũng như độ tiện dụng của cặp đôi củ sạc này đã hoàn toàn chinh phục được mình. Không chắc mình sẽ gắn bó lâu dài với bộ đôi củ sạc của SlimQ nhưng cũng không dễ để bất cứ củ sạc nào trong tương lai có thể khiến mình cất tủ 2 món phụ kiện đến từ Indiegogo như này…
Đây là gói package mình nhận được từ Indiegogo, mọi thứ vẫn nguyên đai nguyên kiện, chưa hề bóc.
Trong ảnh là toàn bộ những thứ mình đã đặt hàng & nhận được như đã nói ở title.
Kích thước cục SlimQ 65W thực sự nhỏ nhưng vẫn được tích hợp cổng USB-A lẫn Type-C, có thể sạc cùng lúc 2 thiết bị khác nhau.
Theo thông tin mình nắm bắt, nếu sử dụng duy nhất cổng C sẽ tận dụng được tối đa công suất 65W nhưng nếu sạc cả 2 cổng thì dòng tối đa cho cổng C chỉ là 45W, còn cổng USB-A là 18W. Với những ai thường xuyên sử dùng đồng thời cả 2 cổng A & C để sạc như mình thì có lẽ đây là cục sạc hợp lý nhất vì tại thời điểm này mình thấy duy nhất cục Baseus với thiết kế tương tự khả dĩ có thể cạnh tranh với SlimQ.
Lớp vải trên thân cục sạc giúp việc cầm nắm đỡ bị trơn tuột.
Đầu năm 2020, mình thấy xuất hiện trên Facebook khá nhiều status quảng cáo về các loại sạc tích hợp công nghệ GaN nhưng mình chấm chọn SlimQ đơn thuần vì quá ưng trước ngôn ngữ thiết kế với tông đen xám & biểu tượng tứ giác màu cam đặc trưng của SlimQ.
Hơn nửa năm trước, mình tính order cục 65W qua SiliconZ (giá lúc đó đâu như 990k) nhưng sau đó lại lưỡng lự, để rồi sau một thời gian ngắn mình thấy có thông tin về cục SlimQ 100W với 2 cổng USB-A & 2 cổng Type-C. Lúc này thật sự mình rất muốn mua nhưng sau vài tháng không thấy bên startup nọ cho pre-order nên đã quyết định đặt trực tiếp từ Indiegogo, kết quả là mình đã tậu bộ đôi SlimQ 65W & 100W với cái giá rất tốt.
Đây là cục SlimQ 100W với tổng cộng 4 cổng: 2A+2C.
Nếu so kích thước với cục 61W của Macbook Pro 2020 13” thì cả 3 chiều của cục này đều thon gọn hơn.
Mặc định đầu cắm của cục sạc là chân dẹt, có thể gập lại khi không dùng đến, việc này sẽ giúp củ sạc gọn gàng hơn khi cất trong balo, túi xách hoặc túi quần.
Đây là 2 sợi dây nối dài (1.8m cho mỗi sợi), SlimQ gọi 2 cọng này là “Extension Cords”, cả 2 đều là chân tròn. Mình đặt một cặp (giá $10) đề phòng hư trong quá trình sử dụng còn có chiếc sơ cua thay thế.
Ngàm của sợi dây giúp thao tác gắn vào củ sạc rất dễ dàng, chỉ đơn thuần cài đúng chiều là sử dụng được luôn! Sợi dây này khiến mình nhớ tới cọng nối dài cho cục Magsafe2 từng xài. Đây là thứ vô cùng hữu ích khi ổ điện ở khoảng cách xa.
Còn đây là túi đựng (giá $3) với chất liệu vải thật sự cứng cáp, chống sốc tốt, SlimQ gọi túi này với 2 cái tên “B0045 SlimQ Carry Bag” hoặc “Customized Travel Bag”.
Kèm theo đó là 4 đầu chuyển với các loại chân tròn, dẹt, chéo… dành cho 4 thị trường AU, EU, UK, DE/KR. Trên Indiegogo, mình thấy họ gọi 4 đầu chuyển này với 2 tên khác nhau là: “Attatch-on Converters Pack” hoặc “Universal Converters Kits”. Combo này khá rẻ, tổng 4 đầu chuyển này chỉ vỏn vẹn $3 nên tiện thể mình order luôn cả cụm.
Sau cùng là 2 món mình được SlimQ tặng kèm: một cọng cáp C to C chống rối & một túi đựng với chất liệu vải mềm nhưng cũng khá xịn sò.
No comments:
Post a Comment