Friday, September 23, 2022

MS Universal Mobile Keyboard

REVIEW BÀN PHÍM MICROSOFT UNIVERSAL MOBILE KEYBOARD SAU GẦN 2 NĂM CẤT TỦ
~ Wednesday, August 25th, 2021 ~

Ảnh cover.jpg
    Bài viết này nhẽ ra mình đã hoàn thành & publish từ đầu tháng 2/2020 nhưng do lúc đó đang bị thu hút bởi phím cơ nên đã sao nhãng & bỏ bê tới tận thời điểm này, sau hơn một năm rưỡi mình mới quyết định hoàn thiện nốt những gì vẫn còn dang dở khi ấy. Nhớ lại thời điểm cuối tháng 8/2019, mình vẫn thấy khá may mắn khi tậu được chiếc bàn phím độc lạ của Microsoft trong tình trạng fullbox từ một người không quen biết trên Facebook. Trước đó, mình đã đặt hàng bộ phủ phím của Logitech K480 qua AliExpress & dự tính sẽ mua K480 nhưng run rủi thế nào, cơ duyên lại đưa đẩy mình đến với Microsoft Universal Mobile Keyboard (MUMK). Sau vài tháng sử dụng, mình thật sự rất ưng với những trải nghiệm mà chiếc bàn phím này mang lại! Phím gõ nhẹ, layout đẹp với tông màu đen, chiếc nắp của MUMK vừa có rãnh để dựng tablet vừa có thể chủ động tháo rời tuỳ nhu cầu sử dụng của mỗi người! Bàn phím MUMK như được thiết kế dành riêng với iPad vậy, mọi thứ tương tác rất mượt mà, từ phím CTRL, Command, Option đến tổ hợp phím nóng để thoát ra Home, Tìm kiếm, khoá nhanh màn hình đến các phím Tăng/Giảm Bật/Tắt Volume, Play/Stop Next/Prev nhạc…

    Theo thông tin trên mạng, MUMK có thể kết nối cùng lúc 3 thiết bị chạy 3 hệ điều hành khác nhau: iOS, Android, Windows Phone nhưng mình thấy hợp hơn cả khi đá cặp với iPad! Bên cạnh đó, chất lượng pin cũng vô cùng tuyệt vời, mình xài từ đợt mới mua (27/8/2019) đến thời điểm 3/2/2020 mà chưa hề phải sạc pin lần nào. MUMK không xài pin tiểu như một số loại bàn phím khác, mà tích hợp sẵn cổng Micro USB nên thật sự quá tiện khi cần sạc! Với mức giá 1.000.000đ để sở hữu em nó (dù là second-hand), mình vẫn thấy hoàn toàn mãn nguyện! Đây thực sự là một công cụ rất hữu hiệu trong việc soạn thảo mail, gõ nhanh những đoạn văn bản với nội dung dài khi không tiện dùng laptop! Mỗi khi mở nắp bàn phím thì chỉ trong 3-5s, MUMK tự động kết nối với thiết bị đã connect trước đó, duy nhất lần đầu phải kết nối thủ công qua bluetooth, sau đó thì mọi thao tác chỉ đơn thuần là mở ra & xài! Mặc dù vậy, vài ba nhược điểm khiến mình thấy hơi cấn ở em nó: khoảng cách giữa các phím hơi nhỏ nên nếu chưa quen tay sẽ cho cảm giác nhanh mỏi, lớp nhung & nhựa bên ngoài của nắp dễ bẩn & bám bụi, nếu để xước (dù là xước bóng) sẽ rất khó trở lại trạng thái ban đầu! Tuy nhiên, chấp nhận được vài nhược điểm trên thì đây thực sự là chiếc bàn phím rất đáng đồng tiền bát gạo.




  • Kích thước dài/rộng của bàn phím tương ứng là 24.2/10.8cm, ngắn hơn chút đỉnh so với bàn phím mặc định của Macbook Pro 13" (27.3cm) & gần ngang ngửa với chiều dài của iPad 2018 Gen 6 (23.9cm) mình đang sử dụng, độ dày gồm cả nắp là 1.7cm, khi tháo nắp chỉ còn 0.8cm.
  • Toàn thân bàn phím được phủ bởi một màu đen duy nhất, trong đó chữ cái cũng như biểu tượng các phím nóng: Volume, Lock, Next/Prev, Play/Stop, Search... được thiết kế với gam sáng màu tương phản nên rất nổi bật. Ngay ở phía dưới các cụm phím nóng có một rãnh dài 20.4cm để ôm chặt phần gờ của nắp khi gập.
  • Mặt trên là nhựa bóng dễ dính bụi & không chống vân tay, riêng bề mặt nút phím được phủ một lớp nhám đem lại cảm giác thích thú khi gõ. Mặt đáy làm bằng nhựa sần chống bám vân tay nhưng dễ xước bóng, ở mạn này tích hợp 2 miếng nệm cao su giúp tôn bàn phím lên chút đỉnh khi đặt trên mặt phẳng, ngoài ra còn có vài dòng chữ & biểu tượng được dập nổi hết tinh tế.
  • Chiếc nắp đậy được Microsoft phủ một lớp nhung cả mặt trong lẫn ngoài, ban đầu mình thấy thích nhưng không lâu sau đó lại khá phiền vì dễ dính bụi, hơn nữa cầm nắm ở khu vực này cứ dinh dính kiểu gì á. Góc bên phải phía ngoài của chiếc nắp có đề tên hãng với gam màu trắng đục, bên trong có gờ giữ tablet/smartphone dài 20.1cm (tương đương với chiều dài của iPad Mini phiên bản 7.9"), khi cần có thể chủ động tháo rời nắp khỏi bàn phím.
  • Nút nguồn & cổng sạc chân Micro USB được thiết kế ngay sát nhau ở cạnh rìa bên phải, trong đó nút nguồn đồng thời là nút kích hoạt bluetooth khi cần pair lần đầu với các thiết bị.
  • Phần bản lề của bàn phím là nơi Microsoft cho hiển thị khá nhiều thông tin với 3 ngôn ngữ là Anh, Pháp, Trung Quốc, cụ thể gồm: tên model, xuất xứ, số serial, dung lượng pin, cảnh báo khi sử dụng. Chiếc bản lề này cho phép xoay 270 độ nhưng chỉ có thể gắn với bàn phím khi phần thông tin được hướng ra ngoài.
  • Bàn phím & nắp đậy được liên kết với nhau qua cơ chế nam châm với lực hút rất mạnh, mình đã thử cầm phần nắp (sau khi gắn với bàn phím) & vung vẩy nhưng chỉ khi tác động một lực đủ lớn mới khiến 2 thứ này bị tách ra.
23-8-2021 (3).jpg24-8-2021 (13).jpg24-8-2021 (2).jpg

II. KẾT NỐI:

  • Cũng như nhiều loại bàn phím thông thường khác, MUMK cũng được tích hợp bluetooth & cho phép người dùng connect tối đa với 3 thiết bị khác nhau thông qua 3 nền tảng là iOS, Android & Windows Phone. Một nút gạt ngay sát cổng sạc giúp mình dễ dàng chuyển đổi giữa các thiết bị khi cần, thực tế trong quá trình sử dụng mình chỉ pair với iPad 2018 do khả năng tương thích của bàn phím này rất tốt, như thể được lập trình & thiết kế riêng cho đồ của Táo vậy.
  • Ở lần kết nối đầu tiên, thao tác khá đơn giản với việc nhấn & giữ nút nguồn trong 4s. Lúc này đèn báo sẽ nháy nhanh, mở bluetooth ở thiết bị cần pair rồi chọn Universal Mobile Keyboard & xài thôi, khi không dùng thì đơn thuần gập nắp mà không cần nhấn nút nguồn. Do cơ chế hoạt động của MUMK khá tiện dụng: mở nắp là xài, đóng nắp sẽ auto tắt chế độ bluetooth để tiết kiệm pin, thành thử thời gian sử dụng khá lâu cũng là điều dễ hiểu.
24-8-2021 (11).jpg24-8-2021 (10).jpg

III. ĐỘ TƯƠNG THÍCH:

  • Như đã giãi bày ở trên, mình cảm giác MUMK được thiết kế như dành riêng cho các thiết bị của Táo (nhất là iPad), từ layout đến các phím chức năng, tổ hợp phím tắt... nhất loạt đều đồng bộ một cách hoàn hảo theo đúng nghĩa đen. Mình không có thiết bị nào chạy nền tảng Windows Phone nên không có dịp test thử, còn với Android thì khả năng tương thích không bằng so với iOS.
  • Layout: chúng ta có các nút CTRL, Option, Command y chang những gì được thiết kế trên bàn phím của Macbook, thậm chí cụm arrows cũng có rất nhiều nét tương đồng, điều này đem lại sự thân thiện, dễ thao tác với bất cứ ai từng xài đồ của Táo.
  • Phím nóng: ngay phía trên hàng số, Microsoft bố trí tổng cộng 6 tổ hợp phím thao tác nhanh giúp người dùng dễ dàng truy cập những tính năng cơ bản, cụ thể theo thứ tự từ trái qua phải gồm: Khoá màn hình, Bật/Tắt Volume, Tăng/Giảm âm lượng, Play/Stop nhạc, Next/Prev bài hát, Tìm kiếm... nhưng lại thiếu nút Tăng/Giảm độ sáng màn hình, thật sự mình thấy hơi khó hiểu ở chi tiết này. Những ai hay xài các cụm phím tắt hàng ngày sẽ thấy được sự cần thiết & quan trọng của loạt phím chức năng nói trên, sau khi pair với iPad có thể xài được luôn loạt phím nóng mà không cần qua bất cứ thao tác cài cắm hay mapkey nào...
24-8-2021 (5).jpg24-8-2021 (7).jpg

IV. TRẢI NGHIỆM GÕ:

  • So với bàn phím mặc định của Macbook Pro thì cảm giác gõ trên MUMK thực sự không thể sánh bằng, cả về sự thuận tiện, độ đàn hồi cũng như âm thanh phát ra. Nếu như bàn phím của Macbook ở thang điểm 10 thì dưới cảm nhận của mình, MUMK chỉ ở mức 6-7 mà thôi.
  • Kích thước dài rộng các nút alpha trên MUMK là 1.4x1.4cm trong khi của Macbook Pro là 1.8x1.7cm, nếu chỉ nhìn vào những con số này thì độ chênh lệch không nhiều nhưng lại khiến mình có những trải nghiệm gõ khác hoàn toàn, trong đó bàn phím MUMK khiến mình không thật sự thoải mái bởi sự tù túng về kích thước nên nhiều lúc hay dẫn đến tình trạng gõ lộn khá khó chịu.
  • Nói về độ đàn hồi thì MUMK hoàn toàn mất ưu thế so với độ nảy của bàn phím Macbook Pro, lực nhấn trên MUMK nặng hơn nên khi gõ cần một lực lớn hơn khiến trải nghiệm gõ của mình có chút gì đó chưa thật sự hài lòng.
  • Âm thanh phát ra "bộp bộp" thay vì "tách tách" vui tai như của Macbook Pro. Nói một cách dễ hình dung hơn thì gõ trên MUMK không khác viễn cảnh ngồi nghe một bản nhạc với nhiều âm bass nhưng thiếu hẳn tiếng treble, còn khi gõ trên phím mặc định của Macbook Pro thì bass treble đầy đủ, người nghe dễ có cảm giác phiêu & thư thái hơn, dễ dàng nhận ra sự tách biệt của âm treble thánh thót giữa nền trống xập xình không ngớt.

[​IMG]24-8-2021 (12).jpg

V. THỜI LƯỢNG PIN:

  • Đây có lẽ là điều khiến mình rất ấn tượng với MUMK mặc dù tần suất sử dụng không nhiều, trong suốt gần nửa năm trải nghiệm mình hoàn toàn không phải sạc pin lần nào, nhu cầu của mình tập trung chủ yếu vào việc gõ văn bản hoặc mail với nội dung dài, còn khi tương tác trên MXH hoặc một số nền tảng khác thì xài trực tiếp điện thoại chứ không dùng đến MUMK.
  • Microsoft thiết kế đèn báo ngay sát khe sạc, mỗi khi cắm sạc đều có tín hiệu nháy trắng với tốc độ chậm & liên tục, khi pin đầy đèn sẽ tự tắt. Thực tế từ lúc mua MUMK tới thời điểm cuối tháng 8/2021, mình mới sạc pin cho chiếc bàn phím này duy nhất một lần do cất tủ từ thời điểm đầu tháng 2/2020 tới nay, từ lúc kiệt đến khi đầy pin loanh quanh đâu đó tầm 2 tiếng đồng hồ.

----------------------------------------------
       Bài chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.

No comments:

Post a Comment

Featured Post

Trải nghiệm Galaxy Note20 Ultra 5G

TRẢI NGHIỆM GALAXY NOTE20 ULTRA 5G CỦA MỘT BBFAN YÊU JAILBREAK ~ Monday, January 22nd ,  2024 ~      Không thể phủ nhận Galaxy Note (N7000) ...

Popular posts