HOÀI NIỆM CÙNG THẾ HỆ 8X ĐỜI ĐẦU VỚI BỘ TRUYỆN CHỮ
"TÂY DU KÝ" PHÁT HÀNH ĐỢT 1988-1989
~ Saturday, December 26th, 2020 ~
Cầm trên tay 4 tập truyện chữ “Tây Du Ký” dày bự chảng - món quà chú Ngọc (tên chú tôi) gửi tặng, trong tôi như thấp thoáng thứ gì đó hết sức gần gũi, một thứ vô tình thất lạc đã lâu trong quá khứ, một mảnh ghép còn thiếu trong hằng hà sa số những ký ức mà tôi đang ra sức tìm lại bấy lâu nay. Tôi như không tin vào chính mắt mình nữa: hình ảnh trang bìa của cuốn truyện đã khơi gợi được chính xác cái nét xa xưa cố hữu đủ đảm bảo để 10, 20 thậm chí là 30 năm sau cũng khó phai mờ trong tâm trí tôi. Đó là hình tượng nhân vật Ngộ Không đang đằng vân, cầm thiết bảng trên vai (tập 1-2) cũng như khoảnh khắc đang nện một đòn chí tử vào nhân vật phản diện Bạch Cốt Tinh (tập 3-4)... Chỉ với 2 hình ảnh này đã quá đủ làm sống lại trong tôi hồi ức về một tuổi thơ đã ngấu nghiến đọc từng câu chữ, từng trang giấy một cách say mê lạ kỳ...
Nhớ lần cuối cùng tôi giữ được bộ truyện này là đợt còn học cấp III Yên Hoà (những năm 1996-1999), một người bạn cùng lớp đã ngỏ ý mượn và... quên trả lại, còn tôi lúc đó vẫn vô tư như một chú dế & không hề nghĩ rằng đó là thời điểm chính thức phải rời xa bộ sách. Cách đây không lâu (tháng 5/2020), tôi đã vô cùng sửng sốt khi được một người quen qua mạng cho mượn bộ truyện tranh “Tây Du Ký” 27 tập - đúng bản được phát hành lần đầu năm 1990. Giờ đây sau nửa năm, ký ức ấy một lần nữa lại được dịp ùa về trong tôi qua những cảm giác bồi hồi, lâng lâng vô cùng khó tả. Không cần nói thêm, hẳn các bạn cũng thấu được phần nào tâm trạng một độc giả mang nặng trong mình đầy tính hoài niệm như tôi.
Tới thời điểm này (2020), tôi thực không biết "Tây Du Ký" đã trải qua bao nhiêu lần tái bản, duy có một điều tôi biết chắc chắn: 4 tập truyện Nhà xuất bản Văn Học phát hành năm 1988-1989 mà tôi đang may mắn sở hữu đã để lại nhiều mảnh vụn ký ức nhất trong các bộ truyện chữ tôi từng đọc ngày ấy. Nhắc đến "Tây Du Ký" của tác giả Ngô Thừa Ân, thật khó để bất cứ ai có thể xoá nhoà những dấu ấn, những niềm thương nỗi nhớ từng một thời reo sâu trong tâm khảm, đặc biệt là những thế hệ từng may mắn trải qua giai đoạn 1986-1990 của thế kỷ trước. Ngày ấy, ngoài việc được tiếp cận qua hình thức truyện tranh, truyện chữ, lứa tuổi như tôi còn được dịp thưởng thức tuyệt phẩm “Tây Du Ký” qua màn ảnh nhỏ. Thời bấy giờ cả khu tập thể có lẽ lác đác chỉ 1-2 nhà có tivi nên mỗi bận nhạc hiệu quen thuộc trong phim "Tây Du Ký" vang lên là y như rằng mọi thế hệ từ trẻ em đến người già, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp... lại được dịp tề tựu đông đủ & hồ hởi không khác đi trẩy hội. Cảm giác bon chen giữa đám đông đúng kiểu tình làng nghĩa xóm, khác hoàn toàn với cảnh bá tánh xem bóng đá tập thể trước một màn hình hàng trăm inch ở những nơi công cộng. Mỗi bận hình dung ra viễn cảnh Đài truyền hình Việt Nam chiếu phim duy nhất một lần trong tuần (thứ 4 hay thứ 6 gì đó, tôi thực sự không còn nhớ nổi nữa) thì mới thấu hiểu được tâm trạng mong đợi đến mòn mỏi của bà con khối phố khi ấy. Có lẽ cũng từ thời điểm đó trở đi, “Tây Du Ký” đã chính thức trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân đất Việt, đến mức sau này dù được phát đi phát lại hàng tá lần nhưng bộ phim này vẫn thu hút một lượng lớn khán giả ngồi xem...
Trở lại với bộ truyện trứ danh thuộc diện siêu hiếm mà chú Ngọc gửi tặng đợt thứ 6 ngày 13 vừa qua (13/11/2020), điều khiến tôi không thể ngờ là cả 4 tập truyện sau 3 thập niên vẫn trong tình trạng khá hoàn hảo về hình thức. Các trang giấy lành lặn, từng câu chữ trong từng trang truyện không bị phai mờ, đâu đó có chăng chỉ là những nếp gấp rất nhỏ ở mép dưới của một số trang đơn lẻ, hạn hữu lắm mới thấy các vết ố hay mối mọt theo dấu ấn thời gian, rồi cả thứ mùi đặc trưng mà không một bộ sách nào ngày nay có được... Thật tôi không biết diễn tả cái hương vị này như nào để các bạn 9x & các thế hệ sau dễ hình dung: thứ gì đó rất nồng nàn, không hề đượm hương vị sách mới như cái cách mà lâu nay chúng ta vẫn đưa lên mũi hít hà một cách thích thú & khoái trá. Phải rồi, chút gì đó nhẹ nhàng, & thoang thoảng mùi hôi hôi, sền sệt của... loài gián quen thuộc - mùi của những năm 90 thuộc thế kỷ trước! Đôi khi tôi vu vơ trộm nghĩ: phải chăng dòng thời gian & sự vô tình của tạo hoá đã bỏ qua sự tồn tại của 4 tập truyện kinh điển này? Phải chăng người chủ cũ trước đó đã cất trữ bộ tiểu thuyết ở một nơi hẻo lánh & tận cùng nào đó của thế giới, để rồi trước lúc lâm chung mới quyết định lôi ra & truyền lại cho hậu thế?
Một sự khác biệt không hề nhẹ giữa bộ truyện chữ “Tây Du Ký” xuất bản đợt 1988-1989 với các bộ truyện ngày nay chính ở cách đóng gáy. Nhiều năm trở lại đây trong khi các bộ sách được dập bằng ghim, đóng gáy keo nhiệt hay dán bằng băng keo thì bộ truyện trong bài này lại được đóng theo một cách rất đặc trưng của thời bấy giờ: khâu chỉ. Thật vậy, hình thức này giúp người đọc có thể mở rộng các trang sách một cách tối đa mà không lo bị quăn hay gấp nếp. Những nét vẽ trong bộ “Tây Du Ký” khá mộc mạc, chân phương nhưng vẫn đượm được nét tinh xảo trong từng chi tiết: từ những cành cây, chóp núi bên vệ đường đến những manh giáp, xiêm y, dải dút trên trang phục của các nhân vật đều được lột tả khá chi tiết qua một phong cách ký hoạ đặc thù của người xưa. Chưa kể cách hành văn của nhóm biên dịch ngày ấy cũng khiến bao người thuộc thế hệ 8x đổ về trước như tôi phải thầm xuýt xoa & nhớ mãi. Những vần thơ mô tả cảnh núi non, nhân vật... xen lẫn những lời trần thuật & cả những dòng đối thoại. Cái cách mà tác giả liên kết nội dung giữa các hồi truyện cũng rất riêng & tôi đồ rằng câu nói quen thuộc ở cuối mỗi hồi vẫn đọng lại trong sự hoài niệm của bất cứ ai từng đọc bộ truyện này: "muốn biết sự thể ra sao, xem hồi sau sẽ rõ..."
Với tổng cộng 100 hồi chẵn tròn (2.035 trang) được chia thành 4 tập, “Tây Du Ký” dưới ngòi bút đầy tinh hoa của tác giả Ngô Thừa Ân đã khéo léo dẫn dắt người đọc dõi theo hành trình đi lấy kinh đầy gian nan của 4 thầy trò Đường Tăng. Ở đó, ta dễ dàng bắt gặp một Tôn Ngộ Không đầy bản lĩnh với thất thập nhị huyền công cùng khả năng biến hoá khôn lường, đã bao phen trừ yêu bắt quái, bảo vệ đoàn người đi thỉnh kinh. Một Trư Bát Giới tham ăn, mê gái tột độ khiến thầy trò nhiều phen rơi vào cạm bẫy của yêu quái. Một Sa Tăng chín chắn, điềm đạm. Một sư phụ Đường Tăng chính trực với đôi mắt phàm trần đã không ít lần đẩy Ngộ Không vào thế khó xử, rồi cả một Bạch Long Mã tận trung, hết lòng phò tá Tam Tạng trên đường sang Tây Trúc.
----------------------------------------------
Bài chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.
No comments:
Post a Comment