Sunday, October 2, 2022

Review bàn phím cơ Kzzi K75

REVIEW BÀN PHÍM CƠ KZZI K75
SAU HƠN MỘT THÁNG SỬ DỤNG
~ Sunday October 2nd, 2022 ~

Ảnh cover.jpg

    Hơn một tháng qua, mình đã có dịp trải nghiệm sản phẩm giá rẻ của hãng Kzzi & nhận thấy K75 là chiếc phím cơ có layout đẹp nhất trong bộ tứ trụ hiện đang sở hữu, 3 chiếc còn lại lần lượt gồm: Keycool KC-87 (từng chia sẻ rất chi tiết ở ĐÂY), NiZ82 (từng trên tay bên NÀY) & MT75 hiện đã cất cố định ở nhà. Với mình, ưu tiên hàng đầu khi chọn mua phím cơ luôn là thiết kế layout bởi thứ này đập vào mắt hàng ngày mỗi khi sử dụng, cái đẹp toát ra ngay từ hình thức của K75 đã đọng lại trong mình rất nhiều cảm xúc, thậm chí bị kích thích thị giác ngay từ lần đầu thấy trên mạng qua một kèo GB như từng chia sẻ ở ĐÂY. Hiện mình đang sử dụng K75 làm phím chính, bên dưới là một số cảm nhận cá nhân của mình về em nó, mời AE cùng tham khảo.



    Nhớ lại thời điểm cách đây gần 3 năm, mình rất ưng layout của Keycool KC-87 & đã có khoảng thời gian 14 tháng gắn bó, đây có lẽ là layout thông dụng nhất trong các loại bàn phím cơ mình từng biết nhưng theo thời gian rất nhiều biến thể khác được ra mắt khiến mình dần giảm bớt sự yêu thích với lối mòn thiết kế của TKL, điển hình là việc tậu NiZ82 (5/4/2021), sau đó là MT75 (2/4/2022). Từng có lúc mình mê mẩn trước vẻ đẹp của Sun75 do ấn tượng với 2 nút ngoài cùng bên phải hàng F được đặt cạnh nhau y chang chiếc Cyberboard đình đám, việc này giúp mình phô bày vẻ đẹp của cặp bài trùng 2 novel Ps & Ai. Tiếc thay Sun75 chỉ được mở bán nội địa trong lãnh thổ Trung Quốc (tính ra tiền Việt khi ấy chỉ tầm 3.6 triệu), hơn nữa kèo GB diễn ra từ cuối tháng 12/2020 nên việc tậu một bộ second-hand tại thời điểm này cũng khá chật vật. Từng tham khảo vài model khác như: Hope75, Tony82, NextTime75, Iqunix ZX75, GMMK Pro… nhưng sau tất cả mình đã bén duyên với Kzzi K75 do không khoái thiết kế núm & chính thức bỏ ý định tìm mua chiếc Sun75 nọ. Bàn phím K75 tích hợp đầy đủ các nút mình cần: hàng F, cụm arrows cũng như tổ hợp Home/End, Page Up/Down… chưa kể một số chi tiết đặc thù khác nhưng trên hết thì tổng thể layout, các góc cạnh, các khối chi tiết cùng các cụm màu của em nó đã để lại trong mình một ấn tượng hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của thế giới phím cơ.

18-9-2022 (23).jpg
18-9-2022 (4).jpg
18-9-2022 (5).jpg
18-9-2022 (10).jpg

    Góc trên cùng bên trái là Hub USB mở rộng gồm 2 cổng USB-A & USB-C, giúp người dùng dễ dàng kết nối với một số thiết bị ngoại vi & chỉ hoạt động khi dùng cáp Type-C. Thi thoảng mình cũng sử dụng nhưng không thường xuyên, có lẽ việc dùng phím cơ chỉ để gõ đã trở thành tôn chỉ của mình ngay từ thời điểm bắt đầu dấn thân vô thú chơi đầy nghiện ngập này. Ngoài ra, việc thiết kế cổng sạc ở góc bên trái thay vì ở giữa cũng tạo được sự hứng khởi rất lớn với mình bởi khi kết nối cáp sẽ phô được trọn vẹn chiều dài & vẻ đẹp tinh tuý đầy màu sắc của cọng xoắn rainbow.

18-9-2022 (16).jpg18-9-2022 (45).jpg

    Sát sườn bên phải là công tắc chuyển đổi giữa 3 chế độ: bluetooth, wireless 2.4GHz & cáp (Type-C) trong đó mình hay sử dụng bluetooth, chỉ khi nào dung lượng pin cạn kiệt mới động đến cáp. Qua quan sát, mình thấy đa phần AE chơi phím cơ (đặc biệt là những người có thâm niên) đều khoái xài các loại phím không hỗ trợ bluetooth, có vẻ như tính năng này sẽ làm mất đi phần nào ý nghĩa của cụm từ “phím cơ”. Trước nay, mình không quá mặn mà với phím cơ & switch, thay vào đó mình chơi & sưu tầm keycaps, thành thử việc dùng bluetooth luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu: vừa đỡ vướng víu, vừa dễ dàng kết nối với một số thiết bị khác như smartphone, iPad hoặc Tivi.

18-9-2022 (18).jpg
    Ngay phía trên cụm F9-F10 là màn hình hiển thị dung lượng pin với ánh sáng màu xanh, mình rất thích chi tiết này vì có thể theo dõi % pin cũng như chủ động sạc khi cần thiết. Khu vực này khá nhỏ nhắn, không chiếm quá nhiều diện tích trên tổng thể layout của K75, hơn nữa lại tạo điểm nhấn khác biệt so với các loại bàn phím khác, cứ theo chu kỳ 5 phút 4 giây nếu không sử dụng thì màn hình sẽ tự động tắt để tiết kiệm pin. Mạn bên phải kế bên là cụm màu xanh dương (nom khá hợp khi đá cặp với màu trắng ngà của Top case) với 4 đèn báo: trong đó đèn ở biểu tượng chữ A hiện màu trắng khi thực hiện thao tác bật/tắt Capslock, mũi tên Down mình hiện chưa rõ, đèn ở ổ khoá sẽ auto hiện mỗi khi lock bàn phím với thao tác Fn+Option (chỉ áp dụng với nền tảng Windows, còn trên MacOS vẫn sáng đèn nhưng không có tác dụng khoá phím), biểu tượng tia sét ngoài cùng bên phải có tác dụng thông báo khi chuyển đổi giữa các chế độ, cụ thể sẽ nháy đỏ 4 lần khi chuyển từ Off sang bluetooth & 3 lần khi chuyển từ Off sang wireless.


    Như nhiều bàn phím khác, K75 cũng được tích hợp 2 chân đế ở bottom với 2 chế độ gạt đem lại 2 góc nghiêng khác nhau, giúp bàn phím được nâng cao & đem lại trải nghiệm gõ thoải mái & công thái học hơn. Nhớ trước đây khi còn xài MT75, chi tiết này hoàn toàn đã bị bỏ qua khiến cảm giác gõ của mình có chút gì đó hụt hẫng, chưa kể mình không có thói quen xài kê tay, thành thử việc chân đế được tích hợp trên K75 đã giúp mình trở lại với cảm giác quen thuộc ngày nào. Một chi tiết nhỏ & không mới nhưng lại khiến niềm vui của một tay mơ như mình thêm phần trọn vẹn hơn.

18-9-2022 (12).jpg18-9-2022 (17).jpg

--------------------------------------------
      Bài chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.

No comments:

Post a Comment

Featured Post

Trải nghiệm Galaxy Note20 Ultra 5G

TRẢI NGHIỆM GALAXY NOTE20 ULTRA 5G CỦA MỘT BBFAN YÊU JAILBREAK ~ Monday, January 22nd ,  2024 ~      Không thể phủ nhận Galaxy Note (N7000) ...

Popular posts