Sau ngót 3 năm kể từ thời điểm xuất hiện tuyến metro Cát Linh - Hà Đông thìtàu điệntrên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội do người Pháp thiết & thi công cũng đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 8/8/2024. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 của Hà Nội với tổng chiều dài 8,5km trên trục đường 32 từ Depot Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy). Trong 15 ngày đầu tiên, hành khách sẽ được miễn phí trải nghiệm. Sau thời gian này, Hà Nội Metro sẽ chính thức bán giá toàn tuyến là 12.000đ/người, giá một chặng là 8.000đ/người, giá vé ngày là 24.000đ/người. Vé tháng sẽ được bán với giá 200.000đ/người, mua theo hình thức tập thể giảm còn 140.000 đồng/người/tháng, học sinh/sinh viên được ưu đãi với giá 100.000đ/người, riêng trẻ em dưới 6 tuổi, những người trên 60 tuổi hoặc bị khuyết tật sẽ được miễn phí hoàn toàn. Cũng như bao người dân thủ đô, tôi đã có dịp thử trải nghiệm cả ban ngày lẫn buổi tối trong buổi vận hành thứ hai (9/8/2024). Qua tìm hiểu, tôi được biếttàuhoạt động với tần suất 10 phút/chuyến, chuyến đầu tiên trong ngày xuất phát lúc 5:30AM, chuyến cuối cùng lúc 22:00PM. Với tổng cộng 8 chặng, tàu sẽ lần lượt di chuyển & dừng ở các điểm: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy. Kỳ thực vẫn còn 4 chặng nữa là Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu & ga Hà Nội, tuy nhiên cả 4 chặng đi ngầm này đều chưa hoàn thiện & bị trì hoãn tới năm 2027 với tổng vốn đầu tư bị đội thêm lên đến 1.900 tỷ đồng.
Có mặt tại địa điểm Cầu Giấy (trước cổng Đại họcGiao thôngvận tải), theo ghi nhận của tôi thì diện tích bên trong nhà ga khá rộng & thoáng với rất nhiều biển báo hướng dẫn.
Theo chân người dân, tôi cũng xếp hàng ở khu vực quầy vé & đợi đến lượt, hoàn toàn không có hiện tượng chen lấn xô đẩy. Mỗi người đều được phát một thẻ nhựa hình tròn màu đen có dập biểu tượng ngàn năm văn hiến. Bắt buộc phải có thẻ mới qua được cửa để vào sân ga & khi hết chặng phải bỏ vào khe tại cửa soát vé. Sau khoảng một tiếng nếu không ra quầy vé để đổi, thẻ sẽ mất tác dụng, lúc đó muốn ra về buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên.
Khi muốn lấy thẻ, hành khách chỉ cần nói số lượng người đi cùng, tức thì nhân viên quầy vé sẽ thả lượng thẻ tương ứng xuống một cái hõm, việc còn lại của hành khách chỉ đơn thuần là nhặt lên rồi di chuyển theo dòng người để qua cửa & lên thang cuốn để ra ga.
Một số người tỏ ra lúng túng, tuy nhiên với sự hỗ trợ sốt sắng từ phía nhân viên nhà ga, ai nấy đều hồ hởi & phấn chấn, nhất là khi được tiếp xúc với những bạn trẻ xinh đẹp & nhiệt tình.
Tại đây, hệ thống cầu thang cuốn kết hợp thang bộ giúp người dân dễ dàng di chuyển. Ở thời điểm tôi trải nghiệm (không nhớ tại ga nào & vào lúc nào), có lúc thang cuốn ngưng hoạt động nên đành miễn cưỡng leo bộ, hầu hết các thời điểm khác thì vẫn hoạt động bình thường.
Trước mắt tôi lúc này là một sân ga hiện đại có mái che với hai đường ray riêng biệt cùng các hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát, dụng cụ phòng cháy chữa cháy & vô vàn các hạng mục khác...
Tại đây có tổng cộng 2 tàu vận hành, mỗi tàu gồm 4 toa được sơn 3 màu: đỏ, trắng & xanh lá mạ, phía trước mũi tàu có biểu tượng Khuê Văn Các, cả 2 cabin phía đầu & cuối đều có thể di chuyển giúp tàu không cần quay đầu khi hết chặng nhưng người lái tàu sẽ phải đi lại giữa hai phía trước khi đến giờ tàu chạy.
Ngay sát mép chỗ tàu đỗ là một vạch vàng với dòng chữ cảnh báo: "Chú ý khe hở - Mind the gap", điều này đồng nghĩa với việc hành khách không được phép vượt qua trước khi tàu đỗ hẳn, bất cứ ai có động thái vi phạm sẽ có nhân viên an ninh nhắc nhở bằng loa. Thời điểm ban ngày, tôi thấy xuất hiện khoảng 6-7 nhân viên mặc áo phản quang đứng hỗ trợ ở dọc mép đường ray nhưng buổi tối thì không thấy.
Mặc dù thời tiết nắng nóng hoà cùng không khí oi bức nhưng lượng người có mặt tại ga S8 khi ấy vẫn khá đông, ai cũng muốn trở thành những người được trải nghiệm sớm nhất.
Việc chụp ảnh & quay video hoàn toàn không bị cấm dù hành khách đang ở khu vực xung quanh ga, thậm chí ngay cả khi đã yên vị trên tàu. Để ý quan sát, tôi thấy góc nhìn trực diện nhất khi tàu di chuyển vẫn là qua tấm kính cabin của lái tàu, tuy nhiên đa phần người dân vẫn khoái hươi điện thoại qua những ô kính ngay tại chỗ họ ngồi, chỉ có điều buổi tối rất khó quay chụp do bị kính cửa sổ phản chiếu.
Một số góc khác quanh sân ga.
Bên trong tàu cũng được sơn ba màu tương tự bên ngoài, giúp không gian sáng sủa & thân thiện với môi trường, đặc biệt những mảng kính lớn ở hai bên giúp hành khách thoải mái ngắm nhìn cảnh vật khi tàu di chuyển. Chỉ có điều, người ta không hề thiết kế rèm che nên khi thời tiết nắng nóng sẽ gây cảm giác khó chịu. Cả bốn toa tàu đều được trang bị hệ thống điều hoà nhưng không hề có wifi, ghế ngồi làm bằng nhựa cứng & được sơn bóng. Trên tàu cũng có một số vị trí ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật, nếu vắng vẻ hành khách hoàn toàn có thể nhìn xuyên từ đầu cabin này đến cabin còn lại.
Đây là khu vực nối liền giữa các toa, hành khách thoải mái di chuyển giữa các toa trong suốt quá trình tàu chạy mà không gặp bất cứ trở ngại nào, miễn không va chạm gây ảnh hưởng đến người khác.
Tương tự trong nhà ga thì trên tàu cũng có biển báo những chặng mà tàu đi qua, ngoài ra còn có cả hệ thống đèn led cũng như thông báo trên loa để hành khách kịp thời nắm bắt lộ trình bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tuy nhiên, thông báo qua loa chỉ được phát trước khi tàu dừng khoảng 5 giây, điều này đôi khi sẽ khiến hành khách không kịp định hình & phản ứng, đặc biệt là những người không thông thuộc địa bàn.
Những chiếc tay nắm màu đỏ được làm bằng da & những trụ kim loại sáng màu được bố trí trong từng toa giúp hành khách trụ vững khi tàu di chuyển, tuy nhiên thiết kế tay nắm mỏng dẹt như này rất dễ gây cấn & nhức mỏi chỉ sau 1-2 phút do bị lằn tay.
Hình ảnh hành khách ở một số toa tại thời điểm ban ngày & buổi tối.
Trong hai ngày cuối tuần, lượng người tham gia trải nghiệm tăng đột biến so với ngày thường, dòng người xếp hàng gần như liên tục & bất tận bởi cứ hết đợt này lại đến đợt khác, đặc biệt tại hai điểm đầu (Nhổn) & cuối (Cầu Giấy). Nếu như ngày thường lượng người xếp hàng chỉ khoảng 2-3 chục người thì thứ bảy & Chủ nhật lên đến vài trăm người, thậm chí do quá đông nên nhân viên nhà ga yêu cầu dòng người phải đi theo đường uốn lượn để đợi đến lượt lấy vé cũng như xếp thành nhiều line để chờ di chuyển lên thang cuốn & thang bộ. Ở khu vực bán vé, mỗi người chỉ được phát một thẻ, không được lấy giùm nhau, khác hẳn ngày thường có thể lấy 4-5 thẻ cho những người đi cùng. Dọc hành lang sân ga, ai nấy đều sốt sắng di chuyển thật nhanh với mong muốn có chỗ ngồi trên tàu. Nhiều người đi từ đầu đến cuối bến, sau đó lại quay vòng xếp hàng lấy thẻ để tận dụng đợt trải nghiệm miễn phí.
Sau lần trải nghiệm vừa qua, tôi thấy tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội (thực chất chỉ chạy đến Cầu Giấy) khá ngắn, thời gian từ khi tàu rời điểm đầu đến khi dừng ở trạm cuối chỉ mất đâu đó hơn 13 phút, mỗi trạm tàu dừng khoảng 15-20 giây để khách lên/xuống, thời gian chạy qua mỗi trạm chỉ vọn vẹn khoảng 1 phút 22 giây, thậm chí nếu mải nói chuyện rất dễ không để ý trạm xuống. Trên mỗi toa đều bố trí một nhân viên hỗ trợ, tuy nhiên có những lúc tôi không thấy bóng dáng nhân viên nào. Mỗi lần tàu về đến trạm cuối sẽ có một người cầm loa bước lên tàu yêu cầu toàn bộ hành khách bước xuống, mọi thứ diễn ra rất chóng vánh, chắc không quá 10 giây. Xuyên suốt hành trình, tàu chạy khá êm với vận tốc khoảng 43km/h (theo con số tôi dòm qua cabin) nhưng nếu tham gia giao thông dưới mặt đất sẽ dễ dàng cảm nhận độ rung cũng như những âm thanh đặc thù mà tàu phát ra. Cũng trong đợt trải nghiệm miễn phí vừa qua, tôi chỉ thấy bóng dáng 1-2 du khách tây, còn lại đều là người Việt. Một điều khá bất tiện trong khu vệ sinh nam ở nhà ga: chỉ có duy nhất một slot dành cho những ai có nhu cầu đi đại tiện, thành thử nếu một người bị táo bón thì những người khác sẽ phải dằn lòng & đợi khá lâu.
No comments:
Post a Comment