LÝ DO MUA BỘ PHÁT WIFI ZMI MF885
~ Wednesday, November 22nd, 2023 ~
PHẦN 1 - NGUỒN GỐC, GIÁ TIỀN:
Tính tới thời điểm chia sẻ bài viết này, mình đã & đang xài MF885 được ngót 6 năm, tem mác & miếng dán giới thiệu trên thân sản phẩm đều đã bong tróc từ rất lâu, bản thân ngoại hình của món phụ kiệnnày ít nhiều cũng bị xước theo thời gian. Đây có thể coi là một trong những vật bất ly thân gần như không thể thiếu của mình mỗi khi bước ra đường. Mình tậu đợt 21/12/2017 ở cửa hàng TCS qua kênh Shopee, giá mua khi ấy là 1.299.000đ (bảo hành 6 tháng), sau ngần ấy năm mức giá đã lên 1.459.000đ. Mặc dù thời gian bảo hành đã qua từ rất lâu nhưng em nó vẫn hoạt động bền bỉ nên mình chưa có ý định đổi sang loại khác. Nhân dịp Tinh Tế khởi xướng game viết về phụ kiện, mình quyết định lôi ra để hàn huyên đôi lời, biết đâu có chút thông tin hữu ích cho những anh em đang có ý định tìm mua.
PHẦN 2 - LÝ DO MUA:
Thời điểm trước tháng 12/2017, mình hay dùng 6s để phát wifi thông qua sim 4G, tuy nhiên pin của iPhone khá yếu sinh lý & không trụ được lâu, chưa kể tình trạng nóng máy thường xuyên xảy ra khiến mình không thể tiếp tục duy trì thói quen nọ. Mình cần một cục phát wifi riêng biệt với thời lượng pin đủ xài thay vì chỉ dùng được nửa ngày, bản thân mình chán ngấy với việc ngày nào cũng phải lôi ra sạc dăm ba lần như với điện thoại. Ngoài Macbook Pro, mình sử dụng thêm iPad & vài chiếc smartphones nên việc tìm mua bộ phát wifi để xài chung cho các thiết bị nói trên là một nhu cầu hết sức chính đáng. Sau nhiều đêm đắn đo, cân nhắc cũng như thăm dò ý kiến từ bá tánh, mình quyết định tậu MF885 do bên trong bộ phát này được tích hợp sẵn pin dự phòng lên đến 10.000mAh, dung lượng này khủng hơn nhiều so với một số loại khác, điển hình như: TP-Link M7350, Netgear 815s, Alcatel EE120...
Tổng thể bộ phát wifi ZMI MF885 khá nhỏ gọn trong lòng bàn tay, chất liệu kim loại bên ngoài sờ mát & thân thiện với da tay. Kích thước 3 chiều lần lượt là: 7/2.2/11.1cm, trọng lượng chưa đến 300g, thành thử việc nhét vô túi quần hay balo đều rất tiện. Mình hay sử dụng túi bao tử, cũng như hay đặt bên trong Tech Pouch (từng đánh giá chi tiết đợt 11/2/2020 bên NÀY) & bỏ balo mỗi khi đi làm.
Thêm một chi tiết nữa khiến mình đặc biệt hứng thú với MF885, đó là việc ZMI tích hợp sẵn app quản lý trên cả 2 nền tảng Android & iOS. Ngoài việc cho phép thay đổi tên wifi & password, mình có thể share mật khẩu cho người khác thông qua việc quét mã QR cũng như dễ dàng nắm bắt được danh sách những thiết bị đang truy cập, từ đó chủ động ngắt kết nối để đảm bảo tốc độ đường truyền cho các thiết bị ưu tiên hơn, thậm chí có thể block một hoặc nhiều thiết bị nếu cần.
PHẦN 3 - HIỆU QUẢ SỬ DỤNG THỰC TẾ:
Việc gắn bó liên tục trong gần 6 năm qua là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy sự ưng ý của mình khi sử dụng MF885. Thời gian đầu mới mua, pin của MF885 trụ được khoảng 3-4 ngày, giờ chỉ dùng được hơn ngày xíu nhưng với mình cũng đủ để xài khi cần. Tốc độ truy cập mạng khá ổn định, gần như không gặp trục trặc gì do nhu cầu của mình chủ yếu tập trung ở việc lướt Facebook, coi Youtube, duyệt Mail, đọc tin tức qua trình duyệt... Theo thông tin trên mạng thì MF885 hỗ trợ tốc độ download lên đến 150Mbps khi sử dụng 4G, 21Mbps với mạng WCDMA 3G & với TD-WCDMA là 2.8Mbps nhưng có vẻ đây chỉ đơn thuần là những con số được test trong môi trường thử nghiệm từ phía nhà sản xuất. Thực tế trong quá trình test, mình thấy tốc độ hơi chậm, nhất khi tải các file có dung lượng lớn, điển hình như việc download Photoshop 2023 (3.2GB) qua link Google Drive mất hơn tiếng đồng hồ mới xong, tải album ảnh 562 tấm (1.32GB) với định dạng JPEG mất 32 phút, có những lúc tải gần xong thì đột nhiên bị rớt mạng & phải tiến hành re-download...
Ngay ở mạn sườn bên phải, ZMI thiết kế khe nhét dây sạc rất tiện, giúp giảm thiểu việc thất lạc, trong đó sợi dây sạc với 2 đầu là cổng USB-A & Micro-USB có chiều dài khoảng 10.2cm, được thiết kế dạng dẹt, khi không dùng đến có thể nhét vào khe tương tự chiếc bút S Pen thần thánh trên các dòng Galaxy Note của Samsung. Bản thân khe đi dây cũng có từ tính nên việc cọng cáp tuột ra ngoài gần như là không thể, mình đã thử dốc ngược đầu & dùng lực hất mạnh liên tục nhưng bằng cách thần kỳ nào đó cọng cáp vẫn không hề bị rớt. Dưới góc nhìn của mình, đây là một điểm cộng rất lớn, mình không cần mang thêm bất cứ sợi Micro-USB nào khác, cũng như không phải lăn tăn về việc bị thất lạc. Thường mình hay sạc vào chập tối hoặc trước lúc đi ngủ (mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để sạc đầy từ lúc kiệt pin), sáng dậy thì pin đã ở trạng thái đầy 100% & sẵn sàng sử dụng cho một ngày mới.
Hai bên sườn được bo tròn giúp trải nghiệm cầm nắm của mình thoải mái hơn, tuy nhiên thực tế gần như mình chả bao giờ cầm món phụ kiện này trên tay trong lúc đang sử dụng vì thường xuyên để trong Tech Pouch hoặc túi bao tử như đã nói ở trên.
Theo thông số trên mạng, MF885 có thể phát wifi cho 8-10 thiết bị cùng truy cập nhưng chưa bao giờ mình kết nối nhiều thiết bị đến vậy tại cùng một thời điểm. Nếu chỉ đơn thuần coi Youtube & xem tin tức trên trình duyệt thì nhiệt độ toả ra từ MF885 khá mát, nếu download các tập tin nặng hàng GB trong thời gian 15 phút liên tục hoặc hơn thì sức nóng cũng chỉ ở mức cầm chừng. Tuy nhiên nếu đi chụp ngoài trời giữa thời tiết nắng nóng, mình cảm nhận rất rõ lượng nhiệt toả ra từ chiếc MF885 dù khi đó chỉ kết nối wifi với 2 thiết bị smartphones, sức nóng đủ khiến mình phải rụt tay lẹ. Những lúc như vậy, mình thường chủ động tắt nguồn cục phát trong khoảng 10 phút, sau khi di chuyển vào chỗ mát mới bật lên để đảm bảo pin không bị sụt quá nhanh.
Như đã nói ở trên, bản chất bộ phát wifi M885 cũng đồng thời là một cục pin dự phòng. Mặc dù không ưu tiên sử dụng em nó để sạc cho các thiết bị smartphones nhưng không ít lần mình vẫn giữ được liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp & người thân nhờ tính năng này trong các chuyến di chuyển nguyên ngày. Thay vào đó, mình chủ yếu tận dụng để sạc cho Airpods do việc sạc đầy pin cho tai nghe không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thời lượng phát wifi của MF885.
Việc quản lý thiết bị qua app là một trải nghiệm thật sự tiện lợi, mình dễ dàng theo dõi được thời lượng pin còn lại của bộ phát, qua đó chủ động tiến hành sạc những khi cần thiết. Toàn bộ các tuỳ chỉnh đều nằm gọn trong một giao diện màu xanh nước biển, điển hình như: đổi tên wifi & password, giới hạn data truy cập theo ngày/tháng/quý/năm, thiết lập chế độ Sleep sau mỗi 15 phút không sử dụng... Mình hiện đang dùng gói U1500 của Vinaphone với 500GB/tháng, cả năm không phải nạp tiền, giá mua lúc đầu khoảng 800k, tính ra trung bình mỗi tháng mất vỏn vẹn chưa đến 70k. Với dung lượng data thật sự khủng cùng một mức giá không thể hợp lý hơn như này, mình thoải mái vào web, xem Youtube... cũng như tải các ứng dụng, tập tin mà không lo hết dung lượng giữa chừng, chưa kể thời lượng pin 1-2 ngày của MF885 thật sự là một yếu tố đáng tiền khiến mình có cảm giác bộ đôi MF885 & gói Vinaphone U1500 như một cặp bài trùng không thể tách rời.
PHẦN 4 - LỜI KHUYÊN KHI COI BÀI CHIA SẺ:
Trên đây là những chia sẻ mang tính cá nhân sau một thời gian gắn bó dài hơi, cách sử dụng của mỗi người mỗi khác, môi trường sử dụng cũng không hoàn toàn giống nhau, thành thử việc MF885 có đáp ứng được nhu cầu hay không ít nhiều sẽ có những khác biệt nhất định nhưng về cơ bản thì MF885 là một lựa chọn rất phù hợp cho những ai cần một bộ phát wifi có dung lượng pin đủ lâu, cũng như muốn xài chung cho nhiều thiết bị. Đôi lúc tín hiệu kết nối có thể bị gián đoạn, cách khắc phục của mình chỉ đơn thuần là khởi động lại bộ phát & rồi mọi thứ sẽ lại ngon nghẻ như chưa từng xảy ra sự cố nào.
Với mức giá chưa đến 1.5 triệu, thật sự rất khó để kiếm được một bộ Mobile Router nào có dung lượng pin khủng như này, chưa kể ZMI đã trang bị một phần mềm quản lý hết sức tiện lợi với nhiều tuỳ biến trên cả 2 nền tảng Android & iOS. Thi thoảng lướt qua các bài tư vấn lựa mua bộ phát wifi, mình thấy MF885 vẫn luôn là một trong những lựa chọn sáng giá được bá tánh đề xuất. Hơi tiếc là bộ phát này không hỗ trợ cổng sạc Type-C cũng như không được tích hợp công nghệ sạc nhanh QuickCharge 3.0 nên thời gian sạc đầy pin kể từ lúc kiệt mất khá lâu (từ 0-50% hết 1 tiếng 40 phút, từ 50-100% hết 2 tiếng 25 phút, vị chi từ 0-100% hết 4 tiếng 5 phút). Chả bù với cục pin dự phòng RavPower RP-PB201 20.000mAh (hỗ trợ QuickCharge 3.0) mình từng review đợt mùng 5/1/2021 bên NÀY chỉ mất vỏn vẹn đúng 2 tiếng 48 phút để sạc đầy từ 0-100%.
PHẦN 5 - Ý KIẾN KHÁC:
Mặc dù chưa xài qua bất cứ bộ phát wifi nào khác nhưng nếu một lúc nào đó chiếc MF885 đang dùng bị hư, mình vẫn sẽ lựa mua lại một chiếc y chang. Điểm hạn chế mình thấy ở bộ phát này là việc chỉ cho phép một thiết bị truy cập quyền admin, nếu thiết bị khác đăng nhập thì máy đã kết nối trước đó sẽ lập tức bị out, hệt như việc tài khoản Zalo không thể sign in đồng thời ở 2 thiết bị smartphones vậy. Ngoài ra, tiến trình download không hiển thị bất cứ thông tin nào trong app, thay vào đó người dùng chỉ có thể theo dõi ở Status Bar trên điện thoại mà thôi.
--------------------------------------------
Bài chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.
No comments:
Post a Comment