HÌNH ẢNH NGÀY HỘI KHOÁ CẤP III YÊN HOÀ
SAU 20 NĂM RA TRƯỜNG (1996-1999)
~ Friday, November 15th, 2019 ~
Phàm trong đời mỗi người, hiếm ai trong chúng ta sinh ra & lớn lên không trải qua giai đoạn cắp sách tới trường với các cấp bậc: Phổ thông cơ sở (PTCS) - Trung học cơ sở (THCS) - Phổ thông trung học (PTTH). Mới ngày nào bạn được ba mẹ dắt tay tới trường, bạn chập chững lê từng bước qua cánh cửa lớp 1 cùng tâm trạng rụt rè, lo âu trước một môi trường PTCS hoàn toàn mới lạ so với môi trường mẫu giáo trước đó! Những giọt nước mắt bỡ ngỡ đầu đời sẽ khiến bạn cảm thấy chút gì đó lạc lõng, bơ vơ và đôi khi như chỉ muốn trực oà lên khóc nức nở… 5 năm sau cũng viễn cảnh này với đôi bàn tay dẫn dắt quen thuộc ấy của ba mẹ, bạn tiếp tục được làm quen với bậc THCS nhưng lúc này bạn không còn muốn rưng rưng 2 dòng lệ rơi trên má nữa! Quá trình học tập và làm quen 5 năm ở bậc tiểu học trước đó đã giúp bạn tự tin, mạnh dạn và chủ động tiếp cận với bạn bè, trường lớp hơn rất nhiều! Những tháng năm này, bạn sẽ được làm quen nhiều thầy cô giáo với đặc thù mỗi người đảm nhiệm một bộ môn khác nhau! Tiếp tục chặng đường 4 năm sau, bạn bước vào bậc PTTH - giai đoạn “dở dở ương ương” nhất của đời người! Nhắc đến cấp III là nhắc đến cái tuổi học trò ngây ngô, vụng dại, lớn thì chưa hẳn mà bé cũng chả phải! Ngặt nỗi, đây lại là quãng thời gian để lại muôn vàn những ký ức mơ mộng, bồng bột, đáng nhớ và ý nghĩa nhất với bất cứ cô cậu học trò nào. Đây cũng là thời điểm bạn nhận thấy sự khác lạ về thể chất cũng như tâm sinh lý của chính bản thân mình, bạn dần biết thương thầm trộm nhớ ai đó và có cảm tình với những người khác giới…
Nhớ ngày xưa ấy (những năm 1996) mình được bố nhượng lại chiếc xe đạp Thống Nhất làm phương tiện di chuyển từ nhà đến trường trên con đường độc đạo cùng chiếc cặp sách buộc tạm bợ mỗi ngày sau gác-ba-ga! Cảm giác bồi hồi lâng lâng đến khó tả khi lần đầu tự mình đạp xe rong ruổi 3-4km từ nhà đến trường qua từng tàng cây, góc phố quen thuộc. Nhớ những buổi trưa hè nóng nực ráng đợi mẹ đi dạy về, hòng thó cho kỳ được chiếc Mifa để tới trường lấy le cùng lũ bạn, để rồi lên tận lớp 12 gia đình có điều kiện hơn, mình mới được ba mẹ đặc ân sắm cho chiếc… Mini Tàu. Ngày ấy mỗi lần dắt chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng của bố và cả chiếc Mifa chảnh choẹ của mẹ từ tầng 1 lên tầng 4 rồi lại từ tầng 4 xuống tầng 1 ở khu tập thể Nghĩa Tân sao đôi lúc thấy nhọc & oải đến lạ kỳ, vậy mà sau bận lên đời chiếc Mini Tàu nọ tâm lý trong mình bỗng trở nên phấn chấn khôn cùng, ngày ngày đạp xe dẫu mỏi mệt mấy cũng nhất quyết chả từ nan! Nhắc đến kỷ niệm thời cấp III lại khiến mình nhớ đến những lần tan học hay dựng xe cùng chúng bạn tranh tài những màn đá cầu nảy lửa & đầy kịch tính dưới tán cây giữa sân trường, nhớ những lần giải lao trên lớp tràn ngập tiếng hát với giọng trời phú bất đắc dĩ của ca sỹ Hoàng Long cùng màn nhảy phụ hoạ bơm xe đạp bá đạo của cây hài Tạ Đình Trung, kèm theo đó là những tràng cười ngặt nghẽo và những tiếng vỗ tay tán thưởng không ngừng, nhớ những bận qua nhà Tâm “tít”, Đạo “trích”, Hải “cận”, Toàn “béo” nhờ ghi âm những bài hát Quốc tế trên sóng FM100mHz, nhớ cả lần hiếm hoi nọ ghé thủ phủ của Khoa “điên” ở đầu hồi C4 để rồi lần đầu trong đời bị tiêm nhiễm trước những thước video VHS XXX năm nào...
Nhắc đến kỷ niệm ngày ấy lại khiến mình không sao quên được bộ truyện chữ 4 tập Tây Du Ký dày bự chảng mấy trăm trang của bố mình bị cu Trung (tự Trung “Thính”) mượn rồi thó mất, nhớ bức hình cùng những dòng chữ mộc mạc chứa chan kỷ niệm lần đầu làm cô giáo khi phải chia tay của chị Dương Thuý Hà - cô giáo thực tập môn Hoá, nhớ biết bao những buổi chiều tối mùa đông lạnh lẽo năm nào tan trường lững thững đạp xe mà không sao lấy đủ can đảm vượt lên trò chuyện cùng mấy bạn nữ trong lớp, nhớ cả những lần không thuộc bài bị cô giáo xướng tên lên bảng mà thất kinh hồn vía, nhớ những giờ Vật Lý hãi hùng đến rụng rời chân tay của thầy Tùng - người chuyên hỏi bài học sinh bằng cách dựng dậy bất thình lình rồi mới đặt câu hỏi, nhớ cả thầy Phường dạy Toán với chiếc bụng phệ năm nào cùng chiếc thước kẻ gỗ dài thường trực trên tay kèm câu cửa miệng quen thuộc: “Nào nào, chứng minh, không nói liều”, nhớ vụ Khoa “điên” cùng lớp trưởng Thu Hà đứng ra kèm Tiếng Anh cho tụi bạn trước đợt tốt nghiệp, để rồi mỗi khi đến giờ English học trò của 2 "thầy cô" bất đắc dĩ này lại được dịp đua nhau trổ tài thi thố trên lớp, nhớ nhiều phen được cứu nét - mượn vở Soạn văn của Vũ “lùn” - người một mẩu nhưng văn thơ lai láng, dạt dào, bay bổng nhất nhì lớp để chép lấy chép để, hòng đối phó trước màn kiểm tra miệng đầu giờ của cô Dung, nhớ biết bao cái cảm giác cồn cào đến nẫu ruột khi đợi thư tay làm quen dưới ngăn bàn của bạn gái khác ca để rồi mỗi bận đến lớp y như rằng lại thò tay dưới hộc bàn một cách vô thức hòng moi ra những lá thư tay ngắn ngủi nhưng ấm lòng đến tê tái kỳ diệu và sau cùng chắc chắn rồi... nhớ lan cả sang cuốn sổ lưu bút chứa chan những dòng khắc cốt ghi tâm cùng những thổn thức vụng trộm ngày ấy của mấy thằng bạn cứt A5 trước đợt chia tay thuở nào! Nhớ… nhớ… nhớ…
Trên đây chỉ là những vụn kỷ niệm của mình về ngôi trường cấp III Yên Hoà thân yêu những năm 199x, với mình giai đoạn 3 năm PTTH có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất với muôn vàn những kỷ niệm gắn liền theo năm tháng! Thế hệ 8x đời đầu chúng mình thật sự rất may mắn khi lớn lên ở thời điểm công nghệ vẫn còn sơ khai, chính vì vậy những trò chơi dân gian mộc mạc, giản đơn như: nhảy dây, đánh khăng, bi lắc, su vê, bổ quay, thả diều, ném lon, tú bôi râu, bi ăn chun, giật mìn, pháo nổ pháo nang… luôn bao hàm một ý nghĩa tinh thần hoàn toàn khác biệt so với thế hệ trẻ ngày nay…
Cứ mỗi mùa phượng đỏ thắm rực nở là mỗi lần người ta lại được dịp chứng kiến những màn chia ly đầy nước mắt mang đi biết bao nỗi nhớ thương của tuổi học trò, quãng thời gian 3 năm chung học không quá dài nhưng cũng đủ để tạo dựng quá trời những kỷ niệm & dấu ấn cùng nhau: vui có, buồn có, yêu thương có, giận hờn cũng có… Chính lúc này đây, những cô cậu học trò sắp ra trường mới thoáng chợt nhận ra mình sắp để vuột khỏi tay thứ gì đó đặc biệt thiêng liêng, quan trọng & vô cùng gần gũi trong những năm tháng trên lớp. Họ không biết phải diễn tả cảm xúc như nào: họ trao nhau những nụ cười, những cái bắt tay siết nhẹ, những cái ôm lưu luyến không rời, họ tặng nhau những dòng kỷ niệm trên những cuốn lưu bút, họ để lại chữ ký cùng những lời chúc tốt đẹp trên những chiếc áo đồng phục của trường, họ dành cho nhau những lời hứa hẹn cùng những thổn thức vụng trộm của cái tuổi dở dở ương ương năm nào! Có những người vẫn gặp nhau thường xuyên sau khi ra trường, có những người hạn hữu 1-2 năm mới chạm trán một lần nhưng cũng có những khuôn mặt đến 20 năm sau bạn vẫn chưa có dịp gặp lại…
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua như những gì vẫn đang diễn ra, đâu đó vào một thời điểm nào đó sẽ luôn ẩn hiện những khuôn mặt, những nụ cười dễ mến (thậm chí khó ưa) năm ấy mà giờ bạn không tài nào nhớ nổi! Đôi khi mình tự hỏi sẽ như thế nào nếu một ngày kia được dịp gặp lại những người bạn thuở hàn vi, được một lần sống lại những ký ức của tuổi học trò bồng bột, để ôn lại tuổi thơ dữ dội sau chặng đường 2 thập kỷ đằng đẵng xa cách? Bữa nay (9/11/2019) nhân ngày họp khoá cấp III Yên Hoà (1996-1999) sau 20 năm ra trường, trong mình thật sự ứ đọng & trào dâng quá nhiều cảm xúc về một ngày xưa ấy, thật khó để tìm được mỹ từ nào khả dĩ có thể lột tả hết cảm giác hứng khởi đến tột độ cùng tâm trạng bồi hồi, miên man đến bất tận này! Mời AE bạn bè cùng nhìn lại những hình ảnh chính đã diễn ra trong buổi hội ngộ cuối năm có 1 không 2 này của chúng mình! Hẹn ngày gặp lại sau 10, 20, 30 năm nữa! From A5 with love…!!!
Trường PTTH Yên Hoà - nơi các cựu học sinh khoá 1996-1999 từng theo học và cũng là nơi diễn ra cuộc hội ngộ hoành tráng kỷ niệm 20 năm ngày ra trường.
Rất nhiều vụn kỷ niệm đã được BTC khơi gợi trước ngày họp khoá.
Chi tiết các hạng mục diễn ra trong buổi họp khoá.
------------------------------------------------------
Bài chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.
No comments:
Post a Comment